(TBKTSG Online) – Sự phát triển nóng ngành dăm gỗ những năm vừa qua đã phải trả giá khi thị trường thế giới đột ngột suy giảm. Chỉ trong nửa đầu năm 2016, giá dăm gỗ xuất khẩu đã giảm gần 20%, trong khi tồn kho lớn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Điều gì đang khiến ngành dăm lao đao tới vậy?
Doanh nghiệp lao đao, nông dân điêu đứng
Dăm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành chế biến gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt gần 1,2 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gỗ. Song, bước sang năm 2016, những khó khăn từ thị trường xuất khẩu cũng như những bất cập nội tại trong ngành chế biến dăm đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dăm 5 tháng đầu năm 2016 là 1,8 triệu tấn, thu về 248 triệu đô la Mỹ, giảm lần lượt 39% và 42% so với cùng kỳ năm 2015.
Nếu từ nay đến cuối 2016 xu hướng xuất khẩu này không thay đổi, ngành chế biến và xuất khẩu dăm của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với vô vàn khó khăn và kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 sẽ chỉ đạt ở mức trên dưới 600 triệu đô la Mỹ, tức chỉ bằng khoảng một nửa kim ngạch năm 2015.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất dăm tại hội thảo gần đây ở Hà Nội, dăm gỗ xuất khẩu khó khăn, giá xuất khẩu giảm. Ước tính, giá xuất khẩu dăm gỗ trên thế giới đã giảm gần 20% chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm. Hiện nay, tồn kho dăm gỗ tại các doanh nghiệp rất lớn khiến họ giảm mua gỗ nguyên liệu từ nông dân.
Trước bối cảnh trên, nhiều hộ gia đình có nguồn sinh kế khác thay thế thì cố gắng giữ lại rừng để chờ giá tăng. Nhiều hộ khác không có nguồn sinh kế thay thế bắt buộc phải bán rừng, chấp nhận mức giảm 30-40% về lợi ích kinh tế so với năm 2015. Điểm đáng chú ý là những hộ gia đình này đều là những hộ nghèo, dân tộc thiểu số tại vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên Hải miền Trung.
Nguyên nhân do đâu?
Kể từ năm 2012, Việt Nam đã thay thế vị trí của Úc trên bản đồ cung cấp dăm gỗ thế giới, trở thành quốc gia xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất toàn cầu. Ngoài Úc, các nước có nguồn cung cấp dăm lớn, cạnh tranh với Việt Nam là Thái Lan, Indonesia và Chile.
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba quốc gia nhập khẩu dăm quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% tổng kim ngạch và lượng xuất khẩu hàng năm, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 60% trong tổng kim ngạch và lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam.
Theo báo cáo được thực hiện bởi Tổ chức Forest Trends và Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), sự tụt giảm lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là do thay đổi trong cơ cấu nhập khẩu dăm tại thị trường Trung Quốc.
Số liệu thống kê của Hải Quan Trung Quốc cho thấy kể từ đầu năm 2016 nguồn dăm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này dần được thay thế bởi nguồn cung từ Úc và Thái Lan. Tại Trung Quốc, Úc đã lấy lại vị trí dẫn đầu của mình về cung dăm cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, nguồn cung từ Thái Lan cũng tăng lên, làm co hẹp thị phần của dăm Việt Nam tại thị trường này.
Điều này là do chất lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang bị mất kiểm soát, hiện đang có dấu hiệu đi xuống như bị trộn cành, vỏ cây, mấu…nên có hàm lượng fiber thấp, ảnh hưởng tới hình ảnh ngành dăm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thực tế, câu chuyện ngành dăm không phải bây giờ mới được bàn tới. Từ những năm trước đây, ngành dăm phát triển quá nóng, không theo quy hoạch, chạy theo thị trường và không thể kiểm soát được chất lượng.
Điều này được chứng minh thông qua Thông báo 76/TB-UBND tỉnh Thanh Hóa vào giữa năm 2016: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở sản xuất dăm gỗ, trong đó chỉ có 11 cơ sở được chấp thuận sản xuất, với tổng công suất 330.000 tấn/năm, trong khi công suất băm dăm gỗ thực tế của các cơ sở đã lên tới 729.000 tấn/năm, vượt 2,2 lần so với công suất cho phép; đa số các cơ sở sản xuất dăm gỗ đều chưa có phương án đầu tư dài hạn từ khâu trồng, thu mua nguyên liệu đến khâu chế biến […]; tình trạng thiếu nguyên liệu đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán gây mất trật tự xã hội.”
Số liệu thống kê của Vifores cho thấy năm 2009, Việt Nam có 47 nhà máy dăm với lượng dăm xuất khẩu đạt khoảng 2,3 triệu tấn khô thì đến 2014, lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức 7 triệu tấn khô và số lượng nhà máy tăng lên 130, tức gần gấp 3 lần trong 5 năm.
“Phát triển không kiểm soát, chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng sản phẩm tại các địa phương đã và đang tác động tiêu cực đến hình ảnh của toàn ngành dăm Việt Nam, làm giảm lòng tin của nhà nhập khẩu, giảm thị phần xuất khẩu, tạo cơ hội cho một số nhà nhập khẩu khác ép giá dăm của Việt Nam. Các yếu tố này thể hiện tính không bền vững của ngành chế biến dăm xuất khẩu”, theo báo cáo của Forest Trends.
Phát biểu tại hội thảo trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Hà Công Tuấn nói thẳng: “Chúng ta không thể tự hào là một nước xuất khẩu dăm gỗ mãi được. Khai thác từ rừng, chặt gỗ non đi để bán là con đường mà chúng ta không mong muốn”.
Chính vì vậy, từ đầu năm 2016, Việt Nam đã áp dụng mức thuế xuất khẩu dăm từ 0% lên 2% với mục tiêu giảm lượng dăm xuất khẩu, kích thích người dân kéo dài thời gian trồng rừng, tăng thêm thu nhập và tạo nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ chế biến sâu. Song, việc áp dụng nâng mức thuế xuất khẩu lại trùng hợp với thời điểm giá thị trường dăm thế giới đi xuống, ngành dăm Việt Nam bộc lộ những yếu kém nội tại khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, có nguy cơ giải thể hoặc phải sáp nhập.
Ngành dăm, dù có bị những “tai tiếng” thời gian vừa qua nhưng cũng không thể phủ nhận những đóng góp của nó, đặc biệt trong việc tạo việc làm cho các hộ nghèo, dân tộc thiểu số. Do đó, các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ kiến nghị tới Bộ NNPTNT trước mắt chưa áp mức thuế xuất khẩu 2% nói trên khi mà thị trường còn khó khăn.
Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Tuấn cho hay, sẽ tìm hiểu kỹ vấn đề này và có câu trả lời cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN
ThienNhien.Net – Không chỉ có đóng góp quan trọng về kinh tế, bảo vệ và phát triển rừng được coi là một trong những giải pháp then chốt giúp giảm thiểu những tác động ngày càng khắc nghiệt và bất thường của biến đổi khí hậu.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn về việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản liên tục có sự tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua. Thứ trưởng cho biết lý do chính nào tạo lên sự thành công trong xuất khẩu mặt hàng này?
Trong 15 năm qua, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đã có sự tăng trưởng rất nhanh chóng. Năm 2016, tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay, xấp xỉ 7,2 tỷ USD. Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng nhanh do chúng ta có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng tham gia cạnh tranh, phát triển lành mạnh.
Các doanh nghiệp cũng rất năng động, sáng tạo, đầu tư thiết bị công nghệ chế biến gắn với thị trường, mở được thị trường xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện đồ gỗ nội, ngoại thất chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu gỗ, đồ gỗ và lâm sản, đặc biệt các thị trường khó tính nhất, đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những thị trường khó tính này hiện chiếm tỷ trọng hơn 50% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu trong nước ổn định và tạo được sự cạnh tranh về giá cả phục vụ ngành sản xuất chế biến đồ gỗ. Năm 2016, rừng trồng các loại trong nước đã cung cấp khoảng 17 triệu m3 gỗ nguyên liệu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nước ngoài.
Năm 2016, Việt Nam chỉ còn nhập hơn 1,8 tỷ USD, giảm gần 16% so với năm trước. Việc giảm nhập nguyên liệu này trong khi kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh là minh chứng cho việc đóng góp rất lớn của ngành lâm nghiệp đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.
Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về dư địa phát triển những mặt hàng này của nước ta trong thời gian tới ?
Hiện kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của chúng ta lớn nhất trong khu vực ASEAN, đứng thứ 3-4 trên thế giới. Dư địa phát triển ngành này còn rất lớn để chúng ta liên kết theo chuỗi gia tăng giá trị bằng việc kéo dài chu kỳ rừng để có gỗ lớn, nâng cao chất lượng gỗ phục vụ chế biến.
Chiếm lĩnh được thị trường, phát triển được thị trường về số lượng là tốt, tuy nhiên tôi cho rằng vấn đề cần tiếp tục quan tâm hơn là phải đảm bảo được giá trị gia tăng.
Năm 2016, chỉ tiêu trồng rừng của một số loại rừng không đạt kế hoạch đề ra. Vậy năm nay, ngành lâm nghiệp sẽ có giải pháp như thế nào để đạt chỉ tiêu ?
Năm qua, chỉ tiêu trồng rừng đạt 96%; trong đó, trồng rừng sản xuất đạt hơn 100%, nhìn nhận khách quan chủ trương xã hội hóa đi đúng hướng, sát thực tiễn. Rừng phòng hộ và đặc dụng đạt 86%, kéo kết quả chỉ tiêu trồng rừng xuống, đây là lĩnh vực phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Trồng rừng thay thế cũng không đạt kế hoạch, những diện tích không đạt chủ yếu ở các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, bởi trước đó các dự án này không có hợp phần cho trồng rừng thay thế. Khó khăn về nguồn kinh phí nên trồng rừng các loại trên không đáp ứng được chỉ tiêu.
Năm 2017, ngành lâm nghiệp sẽ thực hiện trồng rừng tập trung 205.000 ha; trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 15.000 ha, rừng sản xuất 190.000 ha, trồng rừng thay thế trên 24.000 ha…
Đồng thời bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có. Trong đó, n gân sách Trung ương chi cho khoán bảo vệ khoảng 2,6 triệu ha rừng, ưu tiên khoán bảo vệ rừng đối với các huyện thuộc chương trình 30a và diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng có nguy cơ xâm hại cao.
Để nâng cao chất lượng rừng trồng, ngành sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng giống. Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về công tác quản lý giống, trong đó ưu tiên đối với các loài cây trồng rừng chính, các giống cây trồng được sản xuất bằng công nghệ cao và năng suất cao.
Với điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, năm 2017 phải có giải pháp linh hoạt hơn, để có nguồn kinh phí cho nhiệm vụ này. Tôi không đồng tình nếu giảm chỉ tiêu này mà phải bằng giải pháp sáng tạo, vận dụng cơ chế hỗ trợ, với nguồn vốn ngân sách như vậy nhưng vẫn phải hoàn thành trồng rừng thay thế.
Trồng rừng thay thế cần từ 30 – 50 triệu đồng/ha mà nếu chỉ dùng nguồn vốn ngân sách thì rất lớn. Nhưng nếu chúng ta vận dụng cơ chế hỗ trợ cho người dân, cộng đồng thì chỉ mất 10 triệu đồng/ha. Như vậy, vấn đề cần tháo gỡ là cơ chế, chúng tôi sẽ có đề xuất cụ thể về vấn đề này lên Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2017, ngành lâm nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp gì trong việc bảo vệ rừng và đưa tăng trưởng của lâm nghiệp hướng đến bền vững?
Những giải pháp đã được ngành đưa ra và thực hiện trong những năm qua, năm nay sẽ thực hiện sáng tạo và quyết liệt hơn. Đầu tiên là thực hiện nghiêm chỉnh việc đóng cửa rừng tự nhiên. Điều này sẽ tạo về áp lực trong bảo vệ rừng nhưng với yêu cầu, quyết tâm đó, năm 2017, ngành phải giảm được 20% vụ vi phạm, giảm 50% các hành vi xâm hại rừng. Nếu không đạt được mục tiêu này thì coi như công tác bảo vệ rừng không thành công.
Ngành sẽ tập trung tái cơ cấu với các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, quản lý giống, quản lý trồng rừng theo chuỗi liên kết từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn và đây là giải pháp ưu tiên. Đẩy mạnh chế biến sau dăm để giảm tỷ trọng dăm xuất khẩu, bằng việc phát triển chế biến viên nén, gỗ ghép, MDF…
Cùng với đó, không để việc lợi dụng các chính sách thuế như thực hiện tạm nhập tái xuất, dẫn đến có thể tăng trưởng bong bóng về thành tích nhưng không lợi về ngân sách mà có rủi ro về thương mại.
Ngành tiếp tục tái cơ cấu về liên kết chuỗi, trước hết là cơ chế để doanh nghiệp kinh doanh, chế biến với hộ chủ rừng theo mô hình liên kết bền vững. Cùng với đó phải thực hiện mạnh việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp, hiện đang quản lý khoảng 1,8 triệu ha đất lâm nghiệp. Phải sắp xếp đồng bộ theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Về thị trường, ngành sẽ đẩy mạnh thị trường trong nước. Giá trị tiêu thụ trong nước hiện nay khoảng 7 tỷ USD, chúng ta phải hình thành chuỗi cung ứng trong nước. Theo đó, sẽ hình thành 3 khu công nghệ cao của lâm nghiệp. Đây cũng là khu sản xuất tập trung công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và là trung tâm giới thiệu các sản phẩm lâm nghiệp trong nước.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thành Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Giữ các mối quan hệ với thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nên hài hòa hóa bằng luật.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!