Hotline 2
Hotline 1
Zalo Phương Quân
Zalo cá nhân

Ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu: Không cơ cấu lại sẽ ‘chết’

(TBTCO) – Phát triển không kiểm soát, chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng sản phẩm tại các địa phương đã và đang tác động tiêu cực đến hình ảnh của toàn ngành dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, làm giảm lòng tin của nhà nhập khẩu, tạo cơ hội cho một số nhà nhập khẩu khác ép giá.

Đó là nhận định của một số chuyên gia tại Hội thảo “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Những thách thức mới” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) và Tổ chức Forest Trends vừa tổ chức tại Hà Nội.

Đối mặt khó khăn “kép”

Tại hội thảo, các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) bày tỏ sự lo lắng trước việc ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn, thể hiện qua các con số sụt giảm nghiêm trọng cả khối lượng và kim ngạch XK.

Cụ thể, giá trị kim ngạch XK dăm gỗ của Việt Nam 5 tháng đầu 2016 giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch XK 5 tháng đầu năm 2016 đạt 248 triệu USD, chỉ tương đương với 58% kim ngạch cùng kỳ (430 triệu USD). Còn lượng XK chỉ đạt 1,8 triệu tấn, bằng 61% tổng lượng dăm XK trong cùng kỳ năm 2015.

Theo phân tích của ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends, sự sụt giảm lượng dăm gỗ XK của Việt Nam trong năm 2016 có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là do giảm cầu đối với mặt hàng bột giấy trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, dẫn đến sự sụt giảm về giá XK dăm gỗ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam bởi đây là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Thị trường tiêu thụ bị co hẹp, giá xuất khẩu giảm, cộng với giá dầu thô trên thế giới giảm kéo theo việc giảm chi phí vận chuyển, đã tạo động lực cho việc hình thành và phát triển nguồn cung dăm mới từ một số quốc gia khu vực Châu Phi về phía Châu Á, đặc biệt về thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu từ Thái Lan tăng mạnh do cây đến chu kỳ khai thác. Các yếu tố này tạo ra sự dư thừa trong nguồn cung dẫn đến hệ lụy giá dăm nhập khẩu càng giảm.

Trong khi đó, ngoài việc bị giảm giá do tác động từ thị trường thế giới, XK dăm gỗ của Việt Nam còn phải đối mặt với một số vấn đề nội tại như phát triển chưa đồng bộ, thiếu chiến lược dài hạn, vẫn chạy theo phong trào và có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, phát triển mất kiểm soát, đặc biệt là đối với cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình ở vùng Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, tình trạng phát triển nóng, chạy theo thị trường đặc biệt trong khối các cơ sở sản xuất dăm quy mô nhỏ dẫn đến hiện tượng mất kiểm soát về chất lượng dăm xuất khẩu. Điển hình tại một số địa bàn của tỉnh Phú Thọ, một số cơ sở chế biến đã trộn dăm với một số sản phẩm ván bóc, gây hiện tượng mùn hóa dăm trong thời gian ngắn. Chất lượng dăm gỗ giảm, gây mất lòng tin khách hàng, đặc biệt là tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này cũng đem lại cơ hội cho nhà nhập khẩu trong việc ép giá dăm gỗ XK của Việt Nam…

Cơ cấu lại hay hạn chế xuất khẩu dăm gỗ?

Theo dự báo của Vifores, nếu từ nay đến cuối 2016 xu hướng XK như hiện tại không thay đổi, ngành chế biến và XK dăm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với vô vàn khó khăn, kim ngạch XK cả năm 2016 dự kiến sẽ chỉ đạt ở mức trên dưới 600 triệu USD, bằng khoảng 1/2 kim ngạch của năm 2015; lượng dăm XK cả năm sẽ chỉ đạt trên dưới 7 triệu tấn, tương đương với khoảng 60% tổng lượng XK của 2015.

Trước những bất cập đó, các chuyên gia cũng đặt ra vấn đề “nóng” tại hội thảo là nên chăng hạn chế xuất khẩu dăm gỗ?

Theo quan điểm của chính quyền địa phương, hạn chế xuất khẩu dăm gỗ nhằm tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn cho ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng cho nguồn gỗ rừng trồng là định hướng hoàn toàn đúng đắn của các cơ quan quản lý.

Chính phủ có định hướng trồng rừng gỗ lớn là hợp lý. Hiện tại, chính quyền địa phương cũng không khuyến khích ngành dăm gỗ phát triển, không để các cơ sở sản xuất dăm phát triển tràn lan.

Theo Chi cục Lâm nghiệp Tỉnh Thanh Hóa, trong 2-3 năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã không cấp phép cho các cơ sở chế biến dăm gỗ mới.  Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa tiến tới sẽ rà soát, tính toán lại công suất của các cơ sở chế biến trên toàn tỉnh, cân đối để quy hoạch các cơ sở chế biến dăm một cách hợp lý. Mỗi địa bàn chỉ để một vài cơ sở băm dăm, tận dụng gỗ sau khi đã được tuyển chọn phục vụ ngành chế biến gỗ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ các hộ gia đình trồng rừng có nguồn lực để trồng rừng gỗ lớn. Các nguồn vốn này có thể là vốn vay ưu đãi trực tiếp từ Chính phủ hoặc vốn đầu tư từ các công ty tư nhân, đặc biệt là các công ty cần nguồn nguyên liệu gỗ trồng rừng.

Cùng với đó, bên cạnh tiếp cận về nguồn vốn đầu tư, các giải pháp về khoa học công nghệ có tiềm năng góp phần chuyển đổi sự lựa chọn các hộ sản xuất nguyên liệu dăm sang nguyên liệu gỗ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng cho rằng: “Sản xuất dăm là tất yếu, tuy nhiên XK gỗ còn quan trọng hơn. Chủ trương nhà nước nhất quán là giảm tỷ trọng dăm trong cơ cấu xuất khẩu chứ không phải bằng biện pháp hành chính “bóp” ngành dăm xuống. Để phát triển ngành dăm theo định hướng, các DN XK dăm cần nhìn nhận quan hệ cung cầu, đó mới là gốc của vấn đề. Nếu không nhìn nhận, tiên liệu được thì không bao giờ giải quyết được vấn đề”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline 2
Hotline 1
Zalo Phương Quân
Zalo cá nhân